(…tiếp
phần 1)
4, Lễ hội chèo bơi, đi kheo quần mục (xã Đại Hợp – Hải Phòng)
Hằng năm cứ vào tháng giêng, chọn
ngày con nước dừng(nước không lên, không xuống), dân làng lại hội tụ ở đình
làng để tổ chức rước xách, cầu nguyện, mở hội cầu bơi. Mục đích để “khai xuân”
mùa đi biển năm mới.
Mỗi xóm cử một thuyền trưởng cầm lái
và 12 trai làng khỏe mạnh, hiền hòa, có kinh nghiệm, có kỹ thuật chèo thuyền.
Thủ tục này được làm nghiêm túc, công minh, cho các bậc cao niên lựa
chọn. Từ nhiều hôm trước, các xóm tổ chức phóng thể để chọn người. Đúng 8giờ
sáng, hội gióng ba hồi trống, gần 40 trai làng của 3 thuyền, với trang phục
quần dài, mặc áo nâu, đầu quấn khăn nhiễu điều, lưng thắt bao tượng xanh xuống
thuyền chờ lệnh xuất phát. Trên bờ người đứng vòng trong, vòng ngoài hò reo như
sấm dậy. Chủ hội gọi loa giới thiệu các thuyền theo vị trí từng số để người xem
tiện theo dõi. Theo qui định, từ chỗ thuyền xuất phát tới đích, cự ly khoảng
1000m. Vị trí có cắm cọc tre(vè) giới hạn. Mỗi thuyền phải đi 3 vòng, về 3
vòng. Thuyền nào đủ 6 vòng nhổ vè trước là thắng cuộc.
Sau khi tổ chức chèo bơi, với mục
đích là khai việc đầu năm, ban tổ chức lại cho diễn tích trò đi kheo. Kheo là
một dụng cụ người dân nơi đây dùng để đi te, bắt tôm cá biển. Có những cái kheo
cao tới 5m, nếu kể cả người lẫn kheo thì nhiều khi cao tới gần 7m. Khi diễn ra
trò đi kheo, người tham dự được cầm gậy để pha trò rất vui nhộn. Đi kheo rất
khó đòi hỏi người diễn trò phải giữ thăng bằng tốt và có sự bình tĩnh cần
thiết. Hội chèo bơi – đi kheo ở làng Quần Mục xã Đại Hợp huyện Kiến Thụy có từ
lâu đời và trở thành một nét văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây.
5, Lễ hội đua thuyền (xã Bát Trang – An Lão – Hải Phòng)
Làng văn hoá Trực Trang, xã Bát
Trang (An Lão) vừa tổ chức lễ hội đua thuyền hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia
Đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013.
Đây là lễ hội thường niên, được
khôi phục từ năm 1997, được tổ chức vào dịp đầu xuân với ý nghĩa cầu cho quốc
thái dân an, mưa thuận gió hoà, nhân dân no ấm, mùa màng bội thu. Đồng thời là
dịp để dân làng tưởng nhớ các vị tiền nhân có công khai phá lập làng.
Lễ hội đua thuyền năm nay có sự
tham gia của 9 đội thuyền với gần 200 tuyển thủ, chia thành 5 đội thuyền nam, 4
đội thuyền nữ, tranh tài ở 30 lượt thuyền đua, trên chặng đường đua 1.500m.
Chất lượng các đội đua năm nay được chuẩn bị, đầu tư chu đáo; việc bố trí đường
đua, công tác bảo đảm an ninh trật tự khá tốt. Bên cạnh hoạt động đua thuyền
còn có các Chương trình giao lưu văn nghệ tạo không khí sôi động, hấp dẫn phục
vụ nhân dân. Kết thúc lễ hội, Ban tổ chức trao giải nhất cho đội nam xóm 2, đội
nữ xóm 1, giải nhì đội nam xóm 3, nữ xóm 3.
6, Lễ thượng cờ khai hội đảo Dấu theo nghi thức truyền thống (Đồ Sơn –
Hải Phòng)
Sáng 12/3 (mồng 1/2 âm lịch),
quận Đồ Sơn (Hải Phòng) tổ chức lễ dâng hương, thượng cờ khai hội Đảo Dấu theo
nghi thức truyền thống, với sự tham dự của lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du
lịch, quận Đồ Sơn và đông đảo du khách thập phương.
Lễ hội đảo Dấu chính thức diễn ra
từ ngày 8 đến 9 tháng 2 âm lịch là sự kiện chào mừng Năm Du lịch quốc gia Đồng
bằng sông Hồng- Hải Phòng 2013. Trong khuôn khổ lễ hội có nhiều hoạt động thiết
thực như tổ chức vinh danh quần thể cây đa búp đỏ thuộc khu Danh thắng quốc gia
đảo Dấu là quần thể cây di sản Việt Năm; khởi công dự án đầu tư xây dựng, tôn
tạo di tích đền thờ Nam Hải Thần Vương trên đảo Dấu.
Lễ hội đảo Dấu có truyền thống từ
lâu đời, gắn với giá trị văn hóa tâm linh của người dân miền biển Đồ Sơn và Hải
Phòng. Lễ hội luôn thu hút hàng nghìn du khách đến tham dự và chiêm ngưỡng vẻ
đẹp của danh thắng quốc gia Đảo Dấu. Do vậy, công tác chuẩn bị về cơ sở vật
chất, điều kiện tổ chức lễ hội, công tác bảo đảm an toàn cho những chuyến tàu
đưa khách ra đảo được quận Đồ Sơn giao cho các đơn vị chức năng chịu trách
nhiệm, triển khai nghiêm túc, chủ động./.
7, Lễ hội mùa xuân (Bàng La - Đồ Sơn – Hải Phòng)
Cũng giống như các cư dân thuộc
đồng bằng Bắc Bộ, cư dân ở Bàng La (Đồ Sơn) có lễ hội mùa xuân được tổ chức
hàng năm trước đây. lễ hội mùa xuân ở Bàng La kéo dài từ ngày 7 đến hết ngày 11
tháng giêng âm lịch. Trong 3 ngày đầu, làng tổ chức tế thần. Những ngày còn
lại, làng tổ chức tế lễ và mở hội diễn các trò chơi dân gian xen kẽ. Nổi bật
nhất là tế "vật". Vật ở đây khác hẳn các nơi khác. Nhiều ngày trước
đó, chức sắc (BTC) phải sắm sổ đinh, sắp xếp từng đôi vật theo độ tuổi, không
phải là anh em, họ hàng, láng giềng, là nam giới, chưa lấy vợ từ 6 đến 7 tuổi
trở lên, không giới hạn tuổi trên, không được thoái thác. Sới vật là sân đình.
Chỉ vật một keo để phân thắng thua. Người thắng, người thua đều được nhận phần
do một chức sắc trong làng bên được coi là rất vinh dự. Phần là một lát xôi,
cắt ở các mâm xôi sau khi lễ thành hoàng và một miếng thịt hay một quả chuối.
Phần của người thắng có nhỉnh hơn đôi chút.
Ngày mồng 9, làng tổ chức rước
nước. Từ mờ sáng, mọi người tập trung ở sân đình, sau khi lễ thần, dân làng tổ
chức đến một giếng nước làng đã lựa chọn từ trước để lấy nước về đình. Đó chính
là lễ rước nước. Lúc đầu, người ta chọn một cái chum bằng sành, vệ sinh sạch sẽ
(cũng có thể là một cái chĩnh bằng sứ) có nắp cẩn thận dùng vào lễ mộc dục.
Rước nước là một hoạt động được cộng đồng trân trọng tham gia.
Ngày mồng 10 là ngày tế lớn nhất
trong lễ hội nên được gọi là ngày lễ đại yến. Cuối cùng là tế rã đám kết thúc
hội xuân vào ngày 11 tháng giêng. Lễ Kỳ yêu - tức lễ cầu an, tiến hành vào dịp
cuối lễ hội làng. Cuối lễ, có lệ tiễn quan ôn, cúng thần. Lúc đốt thuyền, ngựa,
lễ vật thì mọi người phải tránh hướng đi của các ngài, sợ các ngài bắt.
(xem tiếp tại phần 3...)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét