Home » , , » Cầu Tam Bạc Hải Phòng hài hòa giữa kiến trúc với giao thông

Cầu Tam Bạc Hải Phòng hài hòa giữa kiến trúc với giao thông

Vào những ngày cuối tháng Tư lịch sử, cầu đường bộ Tam Bạc- cây cầu nối quận Lê Chân với quận Hồng Bàng qua dòng sông Tam Bạc được hoàn thành và đi vào hoạt động. Cây cầu có thiết kế hình chữ J ngược độc đáo xây dựng bên cạnh cầu đường sắt không chỉ giải quyết bài toán giao thông mà còn là điểm nhấn trong nét kiến trúc của đô thị Hải Phòng hôm nay.

Cây cầu gắn với lịch sử của thành phố Cảng
 
Ngược dòng lịch sử, cầu Tam Bạc (cũ) là cầu đường sắt và phần ngoài dành cho người đi xe đạp, xe máy được người Pháp xây dựng hơn 100 năm. Vốn dĩ chủ yếu phục vụ cho tuyến đường sắt, cầu Tam Bạc ngày ấy có một trụ chính giữa, hai đầu được gá vào mố của 2 đầu cầu, mỗi lần tàu thủy đi qua, từ dây tời, người ta điều khiển cho phần cầu quay dọc theo sông, song song với hướng đi của tàu thủy. Đó là lý do cầu Tam Bạc còn có thêm một tên nữa: cầu Quay.

Phục vụ đã nhiều năm và dần xuống cấp, tời quay hoạt động không còn bảo đảm an toàn, những người thợ cầu đường buộc phải hàn 2 đầu cầu vào 2 mố cầu ở hai bên bờ sông và cũng từ đấy, cầu Quay không còn quay được nữa, nhưng tên cầu Quay vẫn được gọi cho đến bây giờ. Thậm chí, nhiều người dân Hải Phòng khi hỏi đến cầu Tam Bạc còn không biết, họ chỉ biết đến cây khi gọi là cầu Quay. Đó chính là một phần lịch sử của thành phố Cảng.

Hơn 100 năm đi vào hoạt động, cùng với những năm tháng hào hùng chống giặc ngoại xâm của quân và dân thành phố đều được hiển hiện rõ trên cây cầu. Thời kỳ Hải Phòng hứng chịu những trận bom khốc liệt của máy bay Mỹ, cầu Quay là điểm bị bắn phá vô cùng dữ dội cùng với Sở Dầu, Bạch Đằng, bởi cầu Quay là cây cầu chiến lược, độc đạo dành riêng cho đường sắt vận chuyển tên lửa, vũ khí, khí tài từ Cảng Hải Phòng tỏa đi cả nước. Góp phần quan trọng vào chiến thắng của dân tộc.

Từ sau chiến tranh cho đến nay, cây cầu này hằng ngày vẫn đưa đón những chuyến tàu hỏa và hàng nghìn lượt người qua lại. Đã lâu không được sửa chữa, xét về không gian cảnh quan, cầu Quay không đáp ứng được về các tiêu chí của một đô thị Hải Phòng trong quá trình phát triển. Xét ở góc độ giao thông, cầu Quay chính là nơi nguy hiểm, bởi đường sắt, đường bộ đan xen, tai nạn rình rập bất cứ lúc nào. Thực tế cho thấy, nhiều tai nạn thương tâm xảy ra ở khu vực cầu, chủ yếu đến từ sự bất cẩn của người dân. Cùng với cầu Quay (cầu Tam Bạc), trên cả nước còn có 2 cây cầu chung giữa đường bộ với đường sắt nguy hiểm: đó là cầu Đồng Nai và cầu Thị Cầu (Bắc Ninh). Nhằm hạn chế TNGT, năm 2011, Chính phủ có lệnh khẩn cấp xây dựng lại 3 cầu này, trong đó, xây dựng riêng cầu đường bộ, tách hẳn ra khỏi đường sắt và cầu đường sắt chỉ hoạt động riêng biệt. Tháng 12-2011, tại Hải Phòng, lễ khởi công xây dựng 3 cây cầu chính thức được khởi công…

Cầu Tam Bạc trong ngày thông xe đưa vào sử dụng.

Điểm nhấn kiến trúc hài hòa với giao thông
 
Ngay sau khi phát lệnh khởi công, cầu đường bộ Tam Bạc được chủ đầu tư là BQL dự án Đường sắt khu vực 1 bắt tay thực hiện ngay. Tuy khó khăn về mặt bằng, song được sự giúp đỡ của thành phố, đặc biệt là các hộ dân ở quận Lê Chân và doanh nghiệp tại quận Hồng Bàng, sau 16 tháng thi công liên tục, cây cầu hoàn thành. Lần đầu tại Hải Phòng, một cây cầu- một công trình lớn thi công nhanh chóng, đáp ứng mong mỏi của người dân thành phố. Trong ngày khánh thành cây cầu, hàng nghìn người tập trung ở 2 đầu cầu hồi hộp chờ đợi được đi qua dòng Tam Bạc mà không phải đi chung với đường sắt. Bà Trần Thị Lưu (phường Trại Chuối, quận Hồng Bàng) cho biết, hằng ngày bà đưa cháu đi học qua cầu Tam Bạc rất nguy hiểm, nay cầu đường bộ hoàn thành, việc đi lại thuận tiện và an toàn hơn.

Cầu đường bộ Tam Bạc kề sát với cầu đường sắt nối từ đường Hùng Vương (quận Hồng Bàng) với đường Nguyễn Đức Cảnh (quận Lê Chân) tạo nên nét kiến trúc độc đáo. Với thiết kế hình chữ J ngược, xen lẫn với thiết kế cũ của cầu đường sắt, mang lại khối cảnh quan hấp dẫn, tựa như chạc cây hình chữ Y. Bài toán giao thông tồn tại bao nhiêu năm tại nút giao thông 2 đầu cầu Tam Bạc cũ đã có lời giải đáp, từ nay chấm dứt tình trạng đi chung đường bộ với đường sắt. Điều được hơn cả là ô tô có thể qua cầu. Từ đường ngã ba Thượng Lý, ô tô theo đường Hùng Vương qua cầu về bến xe Tam Bạc, rút ngắn khoảng 5km và không phải đi qua những trục đường trong nội thành để giảm thiểu ùn tắc và TNGT.

Nằm ở giữa khu vực nội thành, cầu đường bộ Tam Bạc còn là điểm nhấn về kiến trúc của thành phố Cảng Hải Phòng. Với hệ thống chiếu sáng đa chiều, trải dài suốt 197m cầu và 226,6m đường dẫn, về đêm, cả khu vực bừng sáng lung linh, xóa đi cảnh xập xệ, ban đêm điện đường tù mù trước đây. Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng- Hải Phòng 2013, cầu đường bộ Tam Bạc đưa vào sử dụng góp phần đón đưa du khách thuận lợi hơn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Support : Tuticare
Copyright © 2013. Tuticare Hải Phòng|Siêu Thị Mẹ Và Bé Tuticare - All Rights Reserved
Template Tuticarepro by Tuticare
Proudly powered by Blogger