Home » , , , » Điểm qua các lễ hội nổi tiếng tại Hải Phòng < Phần 1 >

Điểm qua các lễ hội nổi tiếng tại Hải Phòng < Phần 1 >



Hải Phòng, thành phố hoa phượng đỏ, thành phố của tình yêu và hi vọng luôn là điểm đến hết sức thú vị và lí tưởng của khách tham quan du lịch cũng như những bạn trẻ ưa náo nhiệt, vui chơi … Thế nhưng, Hải Phòng cũng như bao địa danh khác, vẫn luôn tồn tại những nét văn hóa riêng, những truyền thống riêng để mỗi khi nhìn vào, chúng ta đều tự hào mình là người nối tiếp những bước đi hào hùng của lịch sử. Và để góp phần nhắc nhở các bạn trẻ không quên đi những nét đẹp truyền thống, tôi xin phép điểm qua các lễ hội mang đầy bản sắc quê hương như sau:


1, Hội đền Trần Quốc Bảo (Thủy Nguyên – Hải Phòng)

Trần Quốc Bảo là cháu gọi vua Trần Nhân Tông (1279-1293) bằng ông. Trong trận chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, Trần Quốc Bảo đã anh dũng hi sinh, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của quân và dân nhà Trần. Vì vậy sau khi ông mất, triều đình nhà Trần đã truyền cho nhân dân địa phương vùng Tràng Kênh, nơi ông đóng quân và hy sinh, lập miếu thờ và truy phong làm Thái Tử. Các triều đại phong kiến tiếp theo đều thừa nhận công lao của Trần Quốc Bảo và suy tôn là Thượng đẳng phúc thần, phong sắc Thành hoàng làng Tràng Kênh.

Ngôi đền nằm ở phía Nam chân núi Hoàng Tôn, thuộc thôn Tràng Kênh, thị trấn Minh Đức, huyện Thuỷ Nguyên,  thành phố Hải Phòng.

Đền thờ Trần Quốc Bảo, vị tướng của vương triều Trần có công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông của dân tộc ta ở thế kỷ XIII.








Đền Trần Quốc Bảo được xây dựng vào thời Trần, trải qua nhiều lần trùng tu, lần gần đây nhất là vào năm 1994. Đền có bố cục hình chữ  - Nhị, gồm có hai toà nhà song song Tiền đường và Hậu cung. Ngôi Tiền đường có kiến trúc độc đáo với 2 tầng, 8 mái đao cong, đắp hoạ tiếng trang trí lình lưỡng long, song phụng. Hậu cung là nơi đặt tượng thờ Trần Quốc Bảo.

Hằng năm, hội đền bắt đầu vào mồng 6 tháng giêng âm lịch và kéo dài sau đó khoảng 5 ngày. Đây là một lễ hội có qui mô lớn nhất ở huyện Thuỷ Nguyên được duy trì và tổ chức đều đặn hàng năm, có sức lôi cuốn sự tham gia đông đảo của cả một vùng cư dân rộng lớn Hải Phòng - Quảng Ninh.


2, Lễ hội cầu ngư (làng Ngọc Tỉnh - Hải Phòng)

Theo các bậc cao niên trong làng cho biết, nghề đánh bắt hải sản ở làng Ngọc Tỉnh hình thành và phát triển từ thế kỷ 19. Từ xa xưa, trai làng Ngọc Tỉnh từng tự hào giới thiệu với các cô gái làng bên về làng mình qua những câu thơ rằng:

“Hỡi cô thắt dải lưng xanh
Có về Ngọc Tỉnh với anh thì về
Ngọc Tỉnh rợp bóng cây đề
Có giếng tắm mát, có nghề đi khơi”

Nhiều năm về trước, ngày ngày, từng đoàn thuyền lớn nhỏ của Ngọc Tỉnh từ bến Thống căng buồm ra khơi tung lưới, quăng chài. Mỗi sáng hoặc chiều, khi thuyền nối nhau về bến đầy ắp cá, tôm. Ngoài thủy hải sản thông thường phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân, ngư dân Ngọc Tỉnh còn từng bắt được cá Sủ vàng kép có trọng lượng lớn, hình dáng và màu sắc đẹp lại có giá trị kinh tế cao. Bóng cá sủ vàng là sản phẩm xuất khẩu quý hiếm. Vì vậy, cá sủ vàng được chọn làm vật thiêng dâng lễ thần biển, thờ cúng Thành hoàng làng và rước trong lễ hội cầu ngư.





Sáng mồng 10 tháng Giêng (tức 19-2-2013), tại đình làng văn hóa Ngọc Tỉnh, xã Tân Trào, Kiến Thụy, người dân Ngọc Tỉnh đang sinh sống, làm nghề nông, ngư tại làng và muôn nơi cùng có mặt dự lễ hội cầu ngư – rước cá sủ vàng truyền thống. Lễ hội được khôi phục hơn 3 năm qua sau khi đình làng Ngọc Tỉnh được phục dựng trở thành hoạt động văn hóa truyền thống ý nghĩa của người dân miền biển. Đây là một lễ hội độc đáo mang đặc trưng nét riêng của ngư dân Hải Phòng.

Năm nay, lễ hội cầu ngư – rước cá sủ vàng của làng văn hóa Ngọc Tỉnh được mở rộng với quy mô lớn hơn nhằm hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013 và chủ đề năm của thành phố là “Năm Du lịch và Đô thị”. Thay vì rước cá sủ vàng được làm từ giấy và nan tre như những năm trước, năm 2013 này, người dân trong làng cùng công đức tạc một mô hình cá sủ vàng bằng gỗ nặng hơn 1 tạ cung tiến trong đình làng làm vật thiêng thờ cúng. Trong lễ hội cầu ngư, cá sủ vàng bằng gỗ được rước từ bến Thống về đình làng cử hành các nghi thức tế lễ với mong ước cầu cho quanh năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu; mong cho trời yên, biển lặng, tàu, thuyền ra khơi thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang, cuộc sống dân làng ngày càng sung túc.




Lễ hội cầu ngư – rước cá sủ vàng năm nay là một điểm nhấn văn hóa mang ý nghĩa đặc trưng của ngư dân miền biển. Thời gian tới, làng văn hóa Ngọc Tỉnh sẽ tiếp tục duy trì tổ chức lễ hội thường niên với quy mô rộng hơn và phong phú về phần hội với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa gắn với cuộc sống của ngư dân nơi đây như nhảy cầu thùm, thi kéo lưới, kéo co dưới nước… Để nhân dân và du khách khi đến với Ngọc Tỉnh sẽ thấy, đây thực là “Làng văn hóa hiếu khách, khi đón, khi đưa, nhà nhà tấp nập/Người Ngọc Tỉnh nghĩa tình tối lửa tắt đèn, xóm xóm yên vui”./.


3, Lễ hội ngư dân và một số tục lệ tế rước (Đồ Sơn – Hải Phòng)

Tục tế thần Điểm Tước (vết chân chim) trong Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Theo cổ lệ, một tuần trước khi vào chính hội (9/8 Âm lịch), tức ngày 30/7 Âm lịch, hàng tổng có kiệu long đình, bát biểu ra đền Nghè rước bát hương về Đình Công để sáng sớm hôm sau tế thần Điểm tước, khai hội đấu ngưu. Ngày mùng 8 có Lễ mộc dục, tẩy rửa đồ thờ, tắm rửa, vót sừng cho trâu, thay rợ trâu bằng sợi mây nước. Sau đó là Lễ trình trâu vào sáng mùng 2/8. Sáng mùng 9/8, rước trâu đi chọi.

Đặc điểm của Lễ rước trong hội chọi trâu là rước cả khi hội kết thúc. Trâu thắng giải Nhất được rước bát hương đền Nghè cùng cờ “Thượng đẳng thần” về đình làng. Xã có trâu thua cũng phải rước long đình, bát biểu về đình làng thắng cuộc, sau đó mới rước về đình làng mình.








Tục giết thịt cả trâu thắng cuộc và thua cuộc ngay sau khi kết thúc Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn gắn với yếu tố tâm linh: Mong có sự may mắn cho cả làng. Trâu chọi giết thịt xong khiêng lên giá gỗ đưa vào đình tế. Tế xong, đem đĩa tiết và mấy cái lông cổ của trâu hất xuống đất theo tục lệ xưa. Trừ người đi mua trâu và người nuôi trâu được chút phần hơn, còn lại là “quân phân thần huệ”, tức là chia đều như nhau, kể cả chức sắc, chức dịch. Người ta tin rằng ăn miếng thịt trâu chọi sẽ gặp nhiều may mắn trong năm.

Bên cạnh tục giết thịt trâu, màn múa cờ trong hội chọi trâu là hình thức diễn xướng tái hiện một phần sự kiện lịch sử (giống cảnh diễn ra quân đánh giặc Ân trong hội Gióng, cảnh diễn cờ lau tập trận của hội Hoa Lư, cảnh rước thuyền trên Lục Giang Giang của hội đền Kiếp Bạc). Trình diễn hết 3 lần thì kết thúc để người dịch loa vào mời các “ông trâu” vào sới chọi, bắt đầu cuộc chiến. Màn múa cờ có giá trị văn hóa tía hiện một phần sự kiện Quận He Nguyễn Hữu Cầu tế cờ chuẩn bị cuộc khởi nghĩa nông dân thế kỉ 18 mà Đồ Sơn được chọn làm căn cứ địa.

Trò kéo xa mã (ngựa chiến) của ngư dân Hoàng Châu – Cát Hải trong ngày hội cùng tên 10 tháng 6 Âm lịch. Sau các nghi lễ rước linh vị hai vị thành hoàng từ Miếu Giáp Đông, Giáp Đoài về dinh, thành viên hai giáp  tham gia cuộc chơi khi có hiệu lệnh của chủ quản. Ngựa chiến được trang trí đầy đủ dây cương, yếm hoa, cổ đeo nhạc, cơ động trên 4 bánh xe bằng gỗ. Mỗi đội kéo ngựa chạy đủ 3 vòng, không chạm vạch quy định và không làm tổn hại đến xa mã của dối phương, về đích sớm là thắng cuộc.

Trò đi cà kheo, bơi thuyền trong hội làng Quần Mục, Đại Hợp, Kiến Thụy tổ chức từ ngày 2/5 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Đây là trò chơi, là sinh hoạt dân gian của những người thạo nghề chài lưới, đi biển trong hội làng. Trong đó có đi cà kheo trên cạn giữa các xóm, giữa các thanh niên nam nữ với nhau sau các màn thi bơi chèo tại làng Quần Mục. Có kheo cao 5m. Từu một dụng cụ dùng đi te bắt tôm cá ven biển, cà kheo là đạo cụ trình diễn trong ngày hội làng, phản ánh sự gắn bó của ngư dân Quần Mục với nghề biển, chài lưới.

Lễ rước nước cầu ngư trong hội Đình – Vinh Quang, Tiên Lãng cầu cho “Vũ thủy thuận hòa, nhân khang vật thịnh, của cải đề đa, phong đăng hòa cốc”. Hằng năm, cứ vào dịp tháng 3, ngày nước nổi, dân làng lại lập đàn bên bờ biển tế thần nước trong 3 ngày đêm. Ngoài ra, còn tổ chức một số trò chơi dân gian như tổ tôm điếm, vật, cờ người.

Tục thả đèn giấy trong Lễ hội đảo Dáu: Lễ hội tổ chức vào ngày 9-10/2 Âm lịch, là ngày của ngư dân các làng, vạn chài Đồ Sơn và khắp miền duyên hải tưởng nhớ Nam Hải Thần Vương – vị thần biển linh thiêng. Trong ngày hội đảo Dáu, thả đèn giấy là một tập tục, nghi lễ cầu cho sóng yên biển lặng, thần biển phù hộ cho ngư dân trong việc đi biển, đánh bắt tôm cá.

(xem tiếp tại phần 2)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Support : Tuticare
Copyright © 2013. Tuticare Hải Phòng|Siêu Thị Mẹ Và Bé Tuticare - All Rights Reserved
Template Tuticarepro by Tuticare
Proudly powered by Blogger