Home » , , » Điểm qua các lễ hội nổi tiếng tại Hải Phòng < Phần 4 >

Điểm qua các lễ hội nổi tiếng tại Hải Phòng < Phần 4 >



(… tiếp phần 3)

11, hội pháo đất (làng Cốc – Hải Phòng)

Mới đây về thăm đình làng Cốc xã Hùng Tiến (huyện Vĩnh Bảo), du khách không chỉ được chiêm ngưỡng một di tích lịch sử linh thiêng mà còn được hòa mình vào lễ hội pháo đất đậm chất dân gian.



Các bậc cao niên trong làng cũng không nhớ trò chơi này có từ bao giờ. Chỉ biết, từ rất lâu, pháo đất đã là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết. Lũ trẻ trâu nơi đây bên cạnh những trò chơi phổ biến như ô ăn quan hay đánh đáo, đánh bi, cũng tập tành đánh pháo. Hằng năm, từ tháng 8 đến tháng 10 là khoảng thời gian của “hội pháo đất”. Có tiếng vỗ đất, tiếng gieo pháo bồm bộp và có cả những đêm dài không ngủ.


Cuối tháng 11 vừa qua, tại lễ khánh thành đình làng Cốc, hội thi pháo đất được tổ chức với sự tham gia của 6 đội. Mỗi đội gồm 10 pháo thủ chính thức và 6 pháo thủ dự bị. Theo ông Nguyễn Đắc Tảo- đại diện ban giám khảo, các đội chia làm 3 bảng và đấu loại trực tiếp. Mỗi trận là một hội và gồm 8 tơn, 3 gieo, 3 đập. Đội nào về trước 4 tơn coi như thắng một cuộc và về trước 8 tơn là thắng cả hội. Cách thức tính điểm bằng que đo. Que có chiều dài 2m, phần ăn là 88 phân. Vượt ra khỏi “phần ăn” này, các đội sẽ đựơc trọng tài tính điểm. Sau khi chuẩn pháo, các pháo thủ sẽ thực hiện kỹ thuật xuống pháo. “Nghệ thuật” là ở chỗ, xuống pháo làm sao lân mông ( phần bên trong) và lân đượn (vành ngoài) càng lăng xa nhau càng tốt và đượn phải thẳng.

“Nguyên liệu” chính là đất. Đất đánh pháo quan trọng là giữ nước tốt. Bác Nguyễn Đình Dũng- một người chơi pháo lâu năm cho biết: Để đất duy trì độ dẻo và không bị khô trong suốt quá trình đánh, các pháo thủ trước hết phải tìm loại đất thịt dẻo, sau đó “tước” cho không còn xơ, lấy muối và lá khoai giã nhuyễn để trộn với đất. Muối giúp giữ nước còn lá khoai tăng độ dẻo, độ đanh cho đất. Kỹ thuật bấm mẫu phải thật đều tay. Ngoài ra, các pháo thủ còn phải có tinh thần thi đấu tốt và thể lực dẻo dai.

Bác Dũng vui vẻ chia sẻ: “Số năm chơi pháo có lẽ cũng xấp xỉ tuổi đời của tôi đấy. Năm nào chúng tôi cũng có đội tham gia”. Khi được hỏi về thành tích của đội, bác tự hào “khoe”: Đội đã rất nhiều lần đoạt giải, năm ngoái, trong dịp lễ hội đền Trạng (tổ chức tháng 11 hằng năm) đội cũng tham gia và đoạt giải nhì. “Trò chơi vừa để rèn luyện sức khỏe, mặt khác còn là nơi gắn kết các giá trị văn hoá cộng đồng”- ông Nguyễn Đắc Tảo cho biết thêm.

Vậy là đâu đó bên cạnh những nét thay đổi ngày càng mang tính hiện đại thì ở một góc của bức tranh dân gian dân tộc đa màu ấy vẫn lưu giữ một nét đẹp cổ truyền. Hi vọng rằng ngoài những thú vui tao nhã như ngâm thơ, đánh cờ..., trò chơi vận động này cũng góp phần làm nên nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc.


12, Lễ hội Từ Lương Xâm - biểu trưng của hào khí dân tộc (xã Nam Hải – An Hải – Hải Phòng)

Lịch sử thành văn khẳng định: Vào cuối năm 938, sau khi diệt trừ bè lũ phản bội Kiều Công Tiễn, ở Đại La (Hà Nội ngày nay), Ngô Quyền kéo đại quân về vùng cửa sông Bạch Đằng xây dựng thế trận đón đánh quân xâm lược Nam Hán. Ông đã triệt để lợi dụng đặc điểm địa hình phức tạp ở vùng cửa biển này để thiết lập trận địa thủy chiến quy mô lớn, đủ khả năng chôn vùi toàn bộ hàng trăm thuyền chiến giặc.

Hàng vạn du khách và nhân dân địa phương tham dự lễ hội Từ Lương Xâm. 



Ông huy động quân dân đẵn gỗ, vót nhọn, bịt sắt đóng thành một bãi cọc ở cửa sông Bạch Đằng. Quân thủy bộ với sự tham gia của các lực lượng dân binh, bố trí mai phục sẵn phía bên trong bãi cọc, vùng hạ lưu sông. Một đội thuyền nhẹ dưới sự chỉ huy của người thanh niên Gia Viên là Ngô Tất Tố, vốn giỏi bơi lội và quen thuộc sông nước, được giao nhiệm vụ khiêu chiến, nhân lúc nước triều lên nhử giặc vượt qua bãi cọc, dấn thân vào cạm bẫy của ta. Và điều diệu kỳ đã đến, đó là trận đánh diễn ra đúng như diệu kế của Ngô Quyền.

Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 nhanh gọn, bất ngờ đến mức vua Nam Hán đang cầm quân tiếp ứng đóng ở biên giới mà không kịp trở tay đối phó. Chiến thắng Bạch Đằng gấp lại trang sử hào hùng của dân tộc ta trên con đường đấu tranh chống Bắc thuộc, chống đồng hóa, đấu tranh giành lại độc lập dân tộc.

Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và sự gắn kết máu thịt Nhà - Làng - Nước nên rất tự nhiên Ngô Quyền trở thành thành hoàng, thần chủ của vùng đất cửa sông Bạch Đằng. Ở vùng đất này, mặc dù nhiều làng xã cũ không còn, nhiều làng mới xuất hiện, dân cư đã trải qua nhiều lần thay đổi, xáo trộn nhưng hầu như không có làng nào, xã nào, phố nào không thờ Ngô Quyền.

Hình ảnh Ngô Quyền đã trở thành gần gũi, thân thuộc với mỗi xóm thôn, làng xã, phố phường và người dân vùng đất ông lập chiến công xưa. Ở vùng đất này, mỗi làng mới được lập ra là lại thêm một làng thờ Ngô Quyền. Nhân dân nhiều làng xã vẫn còn giữ được đạo sắc của vua Tự Đức phong cho 17 xã thờ Ngô Vương vào năm 1880.

Nội dung bản “Tiền Ngô Vương thiên tử ngọc phả lục” hiện lưu tại Từ Lương Xâm cho biết: Khi kéo quân về cửa biển Bạch Đằng bố trí thế trận, Ngô Quyền sớm nhận ra vị trí chiến lược quan trọng của làng Dầm - tức làng Lương Xâm (tên cũ là Lãng Thâm) bây giờ.

Tại đây, ông đặt một đồn quân lớn là đại bản doanh chỉ huy tiền phương (còn đồn chỉ huy sở được đặt tại làng Cấm (tên chữ là Gia Viên) - khu vực trụ sở UBND TP hiện nay), huy động nhân dân đắp thành vành kiệu, dấu vết nay vẫn còn.

Trong trường tồn, có không ít giai đoạn, thời kỳ lịch sử, lễ hội Từ Lương Xâm (tổ chức từ ngày 16 đến 18 tháng Giêng) đã trở thành ý thức tình cảm cao nhất khi tâm linh người Hải Phòng hướng về tổ tiên, nguồn cội của mình. Lễ hội Từ Lương Xâm đã trở thành lời nhắc nhở, tiếng thúc giục hàng triệu con tim, khối óc từ già, trẻ, gái, trai tìm về ngưỡng vọng, nhất là mỗi khi nền độc lập dân tộc bị đe dọa, đất nước lâm nguy trước giặc ngoại xâm, trời làm hạn hán, gặp bão dông biển động, nghề nông - ngư thất bát.

Khác với lễ hội của các làng xã khác, lễ hội Từ Lương Xâm được tiến hành với sự tham gia của hầu hết các làng xã trong vùng.

Xưa kia, sau khi đã tiến hành nghi thức quốc lễ tại từ Lương Xâm thì đến lượt các tổng, các làng xã xung quanh tổ chức tế lễ Ngô Vương; về cấp độ, việc tế lễ Ngô Quyền do 3 cấp tiến hành: của nhà nước (thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần) sau này do hàng huyện đảm nhiệm, của hàng tổng và của dân làng sở tại.

Trong lễ hội từ Lương Xâm, cuộc hành lễ của hàng chục làng xã rước kiệu từ đình làng mình tới chầu đã tạo nên sự xúc động tâm linh hướng về cội nguồn mạnh mẽ. Tất cả các kiệu đều đặt ở khu đất rộng trước cửa Linh từ Lương Xâm để chấm giải. Kiệu nào nhất thì lần sau được vinh dự thay mặt cả đoàn kiệu đứng dâng lễ Thánh Vương trước long sàng.

Nghi thức tế đám Ngô Vương ở từ Lương Xâm khá đặc biệt: lễ phẩm phải có một bò, một lợn, một dê mổ tế sống (cỗ thái lao), tế xong đem số thịt đó làm cỗ ăn tại đền và chia cho dân đinh; vào những năm “phong đăng hòa cốc” ở từ Lương Xâm còn có lệ hợp tế hàng huyện, hợp tế hàng tổng.

Theo dòng trôi chảy của lịch sử, tín ngưỡng dân gian ở vùng cửa sông Bạch Đằng đủ độ dẻo dai để thích ứng với mọi hoàn cảnh xã hội khác nhau. Vậy nên, trong đời sống tâm linh của nhân dân vùng này đã hình thành tục thờ và lệ rước “Tứ linh từ” (bốn ngôi đền thiêng) gồm: từ Lương Xâm thờ Ngô Quyền, phủ Thượng Đoạn thờ Mẫu Liễu Hạnh, đền Phú Xá thờ Trần Hưng Đạo, từ Nghĩa Xá thờ Nam Hải Phạm Tử Nghi.

Theo cổ lệ, vào những năm mùa màng bội thu, đất nước có tin vui, có sự kiện lớn, hoặc những năm trời làm hạn hán, gây bão tố lớn, dịch bệnh lan tràn thì phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương sức cho huyện An Dương tổ chức hội lễ Tứ linh từ để cảm ơn trời đất, các vị thánh linh đã ra tay phù giúp, hay cầu xin tha lực của các vị thánh linh chung tay cứu vớt, giúp dân, giúp nước tai qua nạn khỏi. Tham gia tổ chức hội rước Tứ linh từ là nhân dân 7 tổng: An Dương, Lương Xâm Trung Hành, Trực Cát, Đông Khê, Hạ Đoạn, Gia Viên.
Lễ hội Từ Lương Xâm được diễn ra trong các ngày 14, 15 và 16 tháng Giêng hàng năm tại thôn Sâm Bồ, xã Nam Hải, huyện An Hải, TP Hải Phòng (nay là phường Nam Hải, quận Hải An, TP Hải Phòng), theo tương truyền, đức Ngô Vương quyền mất ngày 16 tháng Giêng...

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Support : Tuticare
Copyright © 2013. Tuticare Hải Phòng|Siêu Thị Mẹ Và Bé Tuticare - All Rights Reserved
Template Tuticarepro by Tuticare
Proudly powered by Blogger